Cây nhỡ hay cây gỗ nhỏ, cao 2 - 11m; các cành non có lông sớm rụng, màu xám nhạt. Lá có phiến bầu dục, hình trứng ngược hay có khi hình mũi mác, dài 6 - 15cm, rộng 2 - 6,5cm, đầu tù, gốc nhọn, mép có răng thưa ở 1/2 trên, gân bên 5 - 7 đôi, cuống dài 0,5 - 1cm, ít lông.Cây có hoa khác gốc. Bông đực dài 1,5 - 2cm ; nhị 3. Hoa cái thành bông ngắn hay xim đơm ở nách; bầu có lông, vòi nhụy 2. Quả nang xoan, cao tới 13mm, rộng 8mm, màu nâu; hạt 1 - 2, dài 8 - 9mm.Loài của vùng Đông Himalaia, Ấn Độ, Mianma, Nam Trung Quốc, Lào, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia, Philippin. Ở Việt Nam có gặp khắp nơi từ Hà Giang, Phú Thọ, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An vào tới Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh.Cây mọc trong các trảng cây bụi, truông, rú thứ sinh, rừng mưa mùa trạng thái thứ sinh ở độ cao 100m – 600m. Cây ưa sáng, chịu hạn, chịu đất đai khô cằn, chua, ưa đất feralit. Chịu được lửa đốt do có vỏ dày. Kích thước của cây phụ thuộc vào điều kiện địa hình, đất đai. Ra hoa kết quả nhiều, tái sinh khỏe.Mùa hoa tháng 3 - 4, kéo dài đến tháng 7; mùa quả tháng 5 - 6 trở đi.Gỗ cứng, mịn, bền, ít mối mọt có thể dùng đóng các đồ gỗ nhỏ, dùng trong xây dựng tạm thời; cành nhánh làm củi đun.Quả ăn được. Vỏ, rễ và lá được sử dụng làm thuốc. Ở Campuchia, vỏ dùng chữa sâu răng; rễ cây dùng phối hợp với các vị thuốc khác trị các bệnh xẩy ra sau khi sinh đẻ. Còn ở Vân Nam (Trung Quốc), lá được dùng trị sang ung thũng độc.Dân gian cũng dùng các bộ phận khác nhau của cây chữa ho lao và cầm máu vết thương.